Thông tin tham khảo

Buổi đầu hình thành đến 1945

Buổi đầu hình thành đến 1945

1679 Sài Gòn được lập bán chính thức với việc xây dựng các cơ quan chính quyền lớn do Chúa Nguyễn sai lập như : đồn binh, trạm thuế….

1698 Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.

1772 Lũy đất đầu tiên được đắp _ Lũy đất Bán Bích_ Nam từ Cát Ngang, Tây từ cầu Lão Huệ, Bắc giáp Thượng Khẩu Nghi Giang ( rạch Thị Nghè) , QHKT cơ quan công quyền và phố chợ.

1790Vào tháng 3 âl. thành Gia Định được xây dựng theo kiểu Bát Giác.

1815Xây dựng và hình thành một số tuyến đường mới.

1835Sau loạn Lê Văn Khôi, nhà Nguyễn cho phá thành Bát Giác, xây thành Phụng mới trong khoảng 2 tháng nằm ở phía Bắc thành cũ. Dân số khoảng 100.000 người.

1861-1867Sau khi thành Gia Định bị phá hủy một phần vào 1859 và triều Nguyễn nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp vào 1862 , thành Gia Định được mở thêm một số đường, các cơ quan đầu não của Pháp được xây dựng. 1863 một số công trình lớn được xây dựng như cảng Nhà Rồng, Thảo Cầm Viên, nhà máy Ba Son

1880-1883Thành Gia Định được mở rộng, 2 khu Sài Gòn, Chợ Lớn phát triển mạnh. Bên cạnh tuyến giao thông đường sông, tuyến đường sắt và tuyến xe điện được khai trương và đưa vào hoạt động.

1931Sài Gòn, Chợ Lớn trở thành 2 trung tâm lớn, mạng lưới các cơ sở, ban nghành, nhà máy, các công ty vận tải, các công trình công cộng đã được thành lập và xây dựng.

1944Sài Gòn, Chợ Lớn phát triển mạnh, dần được liên kết và nối liền với nhau. Dân số khoảng 350.000 người.

Giai đoạn 1945-1975

Giai đoạn 1945-1975

1945-1975Do ảnh hưởng của chiến tranh, Sài gòn Chợ Lớn đón nhận một số lượng lớn dân di cư từ các khu vực khác .Vì điều kiện sông rạch nằm ở phía Nam nên Thành phố phát triển chủ yếu về hướng Bắc . Ngoài ra Sài Gòn Chợ Lớn đã hoàn toàn hợp nhất ( đô thị hóa hoàn toàn phần vùng đệm).

Giai đoạn 1960Quy hoạch TMB Sài gòn Chợ Lớn được giao cho KTS Ngô Viết Thụ soạn thảo, tuy nhiên dưới ảnh hưởng của các biến động chính trị và làn sóng dân nhập cư ồ ạt nên đô thị phát triển nhanh chóng làm phát sinh nhiều vấn nạn

QH thành phố sau 1975 đến nay

QH thành phố sau 1975 đến nay

Năm 1975 dân số thành phố khoảng 3.500.000 người. Với ảnh hưởng của chiến tranh và cơ chế bao cấp, Thành phố sau năm 1975 phát triển chậm, còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải. Tuy nhiên, bên cạnh đó thành phố đã nỗ lực xây dựng được nhiều chương trình và dự án mới như:hệ thống công viên cây xanh, vui chơi, giải trí: Đầm Sen, Suối Tiên, Hồ Kỳ Hòa … các khu du lịch: địa đạo Củ Chi, Đền tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi, Chiến khu An Phú Đông, 18 Thôn Vườn Trầu, Hóc Môn Bà Điểm, Láng Le Bàu Cò, Vườn thơm Bưng Sáu Xã, Rừng Sác …Các công trình văn hóa như: Nhà hát Hòa Bình, nhà hát bến Thành… cải tạo các công trình công cộng: Ủy ban nhân dân TP, Nhà hát lớn TP, chợ Bến Thành, hệ thống các nhà Bảo tàng cách mạng, lịch sử…

Quy hoạch tổng thể thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 16/01/1993:

Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị (khóa V) đã khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm:

+ Chính trị
+ Kinh tế
+ Văn hóa
+ Khoa học kỹ thuật.
+ Đầu mối giao thông
+ Du lịch

Và đồng thời có vị trí chính trị sau thủ đô Hà Nội.

Với vị trí quan trọng đó và với kinh nghiệm học tập từ các nước công nghiệp đi trước trong chiến lược đô thị hóa tập trung , việc quy hoạch xây dựng TP.Hồ Chí Minh phải đặt trong mối quan hệ với khu vực, cả nước và quốc tế. Đồng thời tránh khuynh hướng tập trung quá mức , phát triển quy mô quá lớn. Các số liệu quy hoạch cụ thể:

Về quy mô dân số

Cần chủ động và thực hiện các biện pháp khống chế để đến năm 2010 tổng số dân thành phố không quá 5 triệu người.

Về hướng phát triển không gian đô thị

Phát triển chủ yếu về phía Thủ Đức đến giáp giới Dĩ An – Biên Hoà, nơi có điều kiện địa chất và hạ tầng tương đối tốt, và phát triển các hướng phụ về phía Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng việc phát triển trung tâm thành phố qua phía Thủ Thiêm cần được cân nhắc cụ thể về điều kiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/07/1998:

Với sự phát triển ngày càng mạnh của thành phố, Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm:

+ Chính trị (giữ vị trí thứ 2 sau thủ đô Hà Nội)
+ Kinh tế
+ Văn hóa
+ Khoa học kỹ thuật.
+ Đầu mối giao thông
+ Du lịch

Bên cạnh đó bộ chính trị đã bổ sung thêm 2 yêu cầu mới:

+ Thương mại
+ Tài chính

Phạm vi điều chỉnh lập quy hoạch và định hướng phát triển không gian bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu có bán kính ảnh hưởng từ 30-50 km. Hướng phát triển chính của thành phố vẫn chủ yếu về phía Đông Bắc, gắn với Thuận An (Bình Dương ), Biên Hòa (Đồng Nai). Bổ sung thêm hướng phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển, gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Hiệp Phước - Cần Giờ, đô thị mới Nhơn Trạch – Long Thành và hướng phụ khác về phía Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn dọc quốc lộ 22 và trục xuyên Á nối với Tây Ninh, Campuchia. Trung tâm thành phố được mở rộng qua Thủ Thiêm nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN VÀ GÂY DỰNG GIÁ TRỊ CỦA ĐÔ THỊ

XÂY DỰNG TRÊN NỀN MÓNG CŨ

Thấm thoát đã 35 năm, Sài Gòn được giải phóng. Sau đó, Ủy ban Xây dựng cơ bản được thành lập. Năm 1977, đội ngũ công tác quy hoạch và quản lý đô thị đã tư vấn để UBND TP.HCM thành lập Viện Quy hoạch Xây dựng được thành lập và ban hành quy định về quản lý đất đai và xây dựng đầu tiên, đặt nền móng cho việc quản lý xây dựng và triển khai công tác nghiên cứu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cải tạo và phát triển TP (quy hoạch tổng thể mặt bằng TP.HCM sau này).

Trong giai đoạn 1986 - 1993, giai đoạn đổi mới cơ chế quản lý xã hội Viện Quy hoạch Xây dựng đã lập được quy hoạch chung và chi tiết một số quận huyện, khu vực quan trọng của TP. Ngoài ra, Viện còn tổ chức lập, thẩm tra trình duyệt đồ án tổng mặt bằng TP (được duyệt năm 1993).

Từ năm 1993, khi chính sách thu hút đầu tư của nước ta được mở thì xây dựng cũng phát triển như một nhu cầu thiết yếu, hàng loạt KCN, khu chế xuất ra đời; nhà ở của nhân dân và nhiều khu dân cư mới được xây dựng, công trình có quy mô lớn tại khu trung tâm mọc lên nhanh chóng làm thay đổi diện mạo kiến trúc của TP. Để áp ứng nhu cầu đó, tháng 7/1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định thực hiện chế độ KTS Trưởng TP đã chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ tiêu biểu như đồ án điều chỉnh tổng mặt bằng TP và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, lập và trình duyệt điều chỉnh quy hoạch chung 18 quận huyện, 315 đồ án quy hoạch chi tiết (với 378,47km2) đã được phê duyệt, lộ giới 986 tuyến đường chính của TP đã được công bố, nhiều văn bản quản lý quy hoạch và xây dựng đã được KTS Trưởng TP tham mưu trình UBND TP ban hành… đây là cơ sở để hơn 1.000 khu dân cư mới ra đời và triển khai, nhiều khu chế xuất, KCN và khu chức năng đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Dấu ấn của giai đoạn này là KĐT Nam Sài Gòn với quy mô 2.600ha được quy hoạch với ý tưởng dựa trên địa hình tự nhiên tạo nên một bố cục tổng thể chặt chẽ và hài hoà, gắn với tuyến đường mới Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh. Hiện nay, 484ha tại khu này đã mọc lên một KĐT Phú Mỹ Hưng, một đô thị kiểu mẫu của Việt Nam.

Trước nhu cầu ngày càng chuyên sâu, mô hình KTS Trưởng đã không còn phù hợp và Sở QH-KT đã ra đời, tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển bền vững TP.HCM.

TIỀN ĐỀ CHO SIÊU ĐÔ THỊ

TP.HCM ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí quan trọng của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa TP.HCM sẽ trở thành “siêu đô thị” với dân số khoảng 10 triệu người và khi ấy khối lượng xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đúng hướng là rất lớn.

Trong 8 năm qua, cùng với việc lập quy hoạch chung các quận huyện thì Sở đã cùng những địa phương nghiên cứu phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực đô thị hoá của TP. Chỉ trong năm 2009, Sở đã lập và được TP đã phê duyệt 20/22 nhiệm vụ đồ án quy hoạch chung xây dựng quận, huyện, 289 nhiệm vụ đồ án QHCT 1/2000, 91 đồ án QHCT 1/2000 cần điều chỉnh; đã lập và thẩm định tiếp 372 đồ án QHCT 1/2000; diện tích phải QHCT 1/2000 khoảng 46.140ha (chiếm 62,74% diện tích đất quy hoạch đô thị). Sở cũng thẩm định các khu đô thị mới và khu có chức năng đặc biệt của đô thị như KĐT Thủ Thiêm 787ha, KĐT Cảng Hiệp Phước 3.912ha, KĐT Tây Bắc 6.000ha, KĐT Bình Quới - Thanh Đa 426ha, KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ 821ha. Đặc biệt Sở đã chỉ đạo Viện QHXD cùng Cty Tư vấn Nikken Seikei (Nhật Bản) hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước sự đòi hỏi của xã hội, những người làm quy hoạch, kiến trúc còn rất nhiều trăn trở để tìm hướng cho TP phát triển bền vững mà vẫn giữ được bản sắc. Ông Hồ Quang Toàn - Phó Giám đốc Sở tâm sự: “Hiện trên địa bàn TP tồn tại quá nhiều quy hoạch phát triển ngành có hiệu lực có nội dung không thống nhất và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cách thức triển khai lập quy hoạch không đồng bộ, mang tính cục bộ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý địa phương trong việc triển khai thực hiện. Như vậy, mối quan hệ của các chủ thể trong việc thực thi quy hoạch phải được tuân thủ theo quy định và thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi và môi trường sống của những người sống trong vùng quy hoạch cũng như thu hút nguồn đầu tư”.

Hiện nay, nếu ai để ý sẽ thấy quanh Dinh Thống Nhất kiến trúc của khu vực này đang dần có sự đồng nhất, đây cũng là kết quả của “Quy chế quản lý kiến trúc 4 ô phố trước Dinh Thống Nhất” mà Sở QHKT ban hành. Đó chỉ là một trong rất nhiều văn bản để UBND thành phố làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý được kiến trúc đường phố và công khai được thông tin đến người dân và nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục khi lập hồ sơ xây dựng công trình và khắc phục tình trạng xây dựng kiến trúc manh mún, lộn xộn.

Tại vị trí trang trọng ở cơ quan, lá Cờ danh hiệu “Đơn vị thi đua xuất sắc ngành Xây dựng năm 2009” do Bộ Xây dựng đã trao tặng cho Sở QH-KT TP.HCM là một khẳng định cho những đóng góp to lớn của tập thể CBCNV của Sở.

35 NĂM NGÀNH XÂY DỰNG – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI

Trong chặng đường 35 năm qua (1975 - 2010), công tác quy hoạch và quản lý xây dựng của TP.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều thành tựu cũng như thử thách. Nhớ những năm đầu sau giải phóng, đội ngũ làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành bản Quy định về quản lý đất đai và xây dựng đầu tiên năm 1977, thành lập Viện Quy hoạch xây dựng vào năm 1977, đặt nền móng cho việc quản lý xây dựng và triển khai công tác nghiên cứu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cải tạo và phát triển thành phố (quy hoạch tổng mặt bằng TP.HCM sau này). Trong giai đoạn 1986 - 1993, ngoài việc tổ chức lập, thẩm tra trình duyệt đồ án tổng mặt bằng thành phố (được duyệt năm 1993), quy hoạch chung các Quận, Huyện và quy hoạch chi tiết một số khu vực trọng yếu cũng đã được UBND TP phê duyệt, phục vụ tốt cho công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong thời kỳ đầu đổi mới.

* Giai đoạn 1993 - 2002 là thời kỳ bùng nổ đầu tư xây dựng, hàng loạt khu Công nghiệp, khu Chế xuất ra đời, nhà ở của nhân dân và nhiều khu dân cư mới được xây dựng, công trình có quy mô lớn làm thay đổi diện mạo kiến trúc khu trung tâm đã mọc lên ngày càng nhiều. Vượt lên những khó khăn trong những ngày đầu thành lập, KTS Trưởng TP đã chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng hoàn thành đồ án điều chỉnh tổng mặt bằng thành phố và được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt năm 1998, lập và trình duyệt điều chỉnh quy hoạch chung 18 quận huyện. Ngoài ra, 315 đồ án quy hoạch chi tiết (với 378,47 km2) đã được phê duyệt, lộ giới 986 tuyến đường chính của Thành phố đã được công bố, nhiều văn bản quản lý quy hoạch và xây dựng đã được KTS Trưởng TP tham mưu trình UBND TP ban hành. Những công tác với khối lượng đồ sộ trên đã làm cơ sở tốt cho hơn 1000 khu dân cư mới ra đời và triển khai thực hiện, nhiều khu Chế xuất, khu Công nghiệp và các khu chức năng khác đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Một trong những điểm sáng điển hình của việc thực hiện theo quy hoạch của thành phố là việc quy hoạch xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn với quy mô 2600 ha. Với ý tưởng dựa trên địa hình tự nhiên tạo nên một bố cục tổng thể chặt chẽ và hài hoà, gắn với tuyến đường mới Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh, từ khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1997, đến nay khu A (với quy mô 484 ha) đã được Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu của TP.HCM và trên phạm vi toàn quốc (được Bộ Xây dựng có quyết định công nhận đô thị kiểu mẫu năm 2008).

* Giai đoạn từ tháng 11/2002 đến nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp nối công việc của cơ quan KTS Trưởng TP trước đây. Trong thời kỳ này, tốc độ phát triển KT- XH của Thành phố luôn cao, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Khối lượng công tác về quy hoạch và quản lý đô thị là rất lớn cho Siêu đô thị như TP.HCM. Về quy hoạch xây dựng, Sở QHKT đã tập trung chỉ đạo Viện QHXD cùng công ty tư vấn Nikken Seikei (Nhật Bản) hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, đã được TTg Chính Phủ phê duyệt ngày 6/1/2010 vừa qua, cùng với các quận huyện tập trung nghiên cứu phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực đô thị hoá của thành phố. Đồng thời, với việc điều chỉnh quy hoạch chung các quận huyện. Mặt khác, Sở cũng thẩm định các quy hoạch ngành (như: mạng lưới các khu Công nghiệp tập trung, các cụm Công nghiệp, mạng lưới giáo dục,y tế, hệ thống xăng dầu, hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại, quy hoạch sử dụng đất), thẩm định quy hoạch các khu đô thị mới và khu có chức năng đặc biệt của đô thị (như: khu đô thị Thủ Thiêm 787 ha, khu đô thị Cảng Hiệp Phước 3912 ha, khu đô thị Tây Bắc 6000 ha, khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa 426 ha, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 821 ha, khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc, khu công nghệ cao, khu công viên lịch sử văn hoá dân tộc…)

Về kiến trúc đô thị, trước tình hình quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, diện mạo kiến trúc đô thị còn manh mún, lộn xộn, Sở QHKT đã xây dựng một số quy định về kiến trúc để trình UBND TP ban hành, làm cơ sở cho việc cấp Giấy phép xây dựng, quản lý được kiến trúc đường phố và công khai được thông tin đến người dân và nhà đầu tư, giảm bớt thủ tục khi lập hồ sơ xây dựng công trình. Điểm nổi bật trong công tác này là UBND TP đã ban hành Quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu (năm 2009) và Quy chế quản lý kiến trúc 4 ô phố trước Dinh Thống Nhất (năm 2008), đồng thời chỉ đạo tổ chức nghiên cứu thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng và bờ tây sông Sài Gòn 930 ha (hợp tác với Công ty tư vấn Nikken Seikei - Nhật Bản).

Có thể nói, năm 2009 là năm phấn đấu vượt bậc của Sở QHKT. Tính đến cuối năm 2009, Thành phố đã phê duyệt 20/22 nhiệm vụ đồ án quy hoạch chung xây dựng quận huyện, 3 đồ án quy hoạch chung quận huyện, 289 nhiệm vụ đồ án QH chi tiết 1/2000, 91 đồ án QHCT 1/2000 cần điều chỉnh; đã lập và thẩm định tiếp 372 đồ án QHCT 1/2000; diện tích phải QHCT 1/2000 khoảng 46.140 ha (chiếm 62,74 % diện tích đất quy hoạch đô thị). Các quy định quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị cũng đã phát huy tác dụng, tạo ra thiết chế cần thiết và định hướng phát triển không gian kiến trúc đô thị ở những khu vực thiết yếu. Đặc biệt, ngày 6/1/2010, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025. Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng đã trao tặng Cờ thi đua “Đơn vị thi đua xuất sắc ngành xây dựng năm 2009” cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

pic

Nhìn lại 35 năm qua trong công tác quản lý quy hoạch, bài học kinh nghiệm mà Sở QHKT rút ra từ thực tiễn là:

- Công tác quy hoạch luôn là tiền đề cho mọi hoạt động xây dựng, mọi nhu cầu phát triển vật chất của tất cả các ngành kinh tế xã hội. Quy hoạch phải luôn đi trước, phải có tầm nhìn xa để có điều kiện phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch phải gắn với hội nhập, hợp tác quốc tế để đô thị TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại.

- Người làm công tác quản lý quy hoạch phải có tâm, phải có tầm, phải nhìn thấy sự vận động của đô thị từ cấu trúc đô thị, mô hình ở và phát triển không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và xã hội…để nhanh nhạy đổi mới tư duy, đề xuất kịp thời các giải pháp phù hợp.

- Mối quan hệ của các chủ thể trong việc thực thi quy hoạch phải được “luật hoá”, để vừa đảm bảo quy hoạch được thực hiện chặt chẽ, vừa đảm bảo quyền lợi và môi trường sống của những người sống trong vùng quy hoạch cũng như nhà đầu tư.

Chẳng bao lâu nữa, TP.HCM sẽ trở thành “siêu đô thị” (megacity) với dân số khoảng 10 triệu người. Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt hướng tới mục tiên xây dựng TP.HCM ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí quan trọng của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Luật Quy hoạch đô thị cũng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, đem lại hành lang pháp lý cao nhất cùng với cách thức và tư duy mới cho công tác lập, thẩm tra, xét duyệt quy hoạch đô thị TP.HCM.

pic

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai các chương trình trọng điểm, các dự án lớn để cải tạo và phát triển đô thị, như: tiếp tục xây dựng các khu trung tâm đô thị mới như: Khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Cảng Hiệp Phước…; thực hiện các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, như: đại lộ Đông – Tây, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, các tuyến Metro, các dự án cải thiện môi trường nước và môi trường đô thị lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm; các dự án cầu vượt sông Sài Gòn (Phú Mỹ, Thủ Thiêm, Bình Lợi, Phú Long), các cảng biển Hiệp Phước, Cát Lái…; thực hiện thiết kế đô thị và chỉnh trang kiến trúc khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930 ha và bờ tây sông Sài Gòn; các chương trình nhà ở xã hội; các chương trình cải tạo nhà ở, khu dân cư lụp xụp; thiết kế đô thị các tuyến đường cảnh quan, các trung tâm khu vực của thành phố…

Trước những nhiệm vụ quan trọng trên, công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc của Sở sẽ phải triển khai đồng bộ, khắc phục yếu kém còn tồn tại, tập trung vào các giải pháp sau:

1) Tăng cường xây dựng cơ sở pháp lý trong quy hoạch và kiến trúc, như: đánh giá nhữnng tồn tại của quy hoạch xây dựng những năm trước đây, xây dựng cơ sở pháp lý theo những quy định mới của Luật Quy hoạch đô thị; xây dựng các quy định, quy chế về quản lý kiến trúc (đặc biệt là giúp các quận huyện triển khai đồng bộ các quy định quản lý kiến trúc cấp II); tham gia xây dựng các chính sách về phát triển đô thị.

2) Tăng cường công tác quy hoạch đô thị, đảm bảo điều chỉnh và phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (hoặc quy hoạch phân khu theo Luật quy hoạch đô thị) trên toàn khu vực đô thị hoá, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng.

3) Tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về quy hoạch – kiến trúc và quản lý đô thị, góp phần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Nhà nước phục vụ quản lý, tiếp thu cái mới, cái tiên tiến để tự nâng cao trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý nhằm phục vụ tốt nhất cho yêu cầu phát triển đô thị.

4) Tăng cường cải cách hành chính, phải lấy “Đề án 30” của Chính Phủ làm tiền đề thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ, giảm phiền hà cho nhà đầu tư và nhân dân, thực hiện tốt quy trình quản lý chất lượng ISO, từng bước nâng cao trình độ quản lý của bộ máy và được nhân dân ngày càng tin tưởng.

5) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về quy hoạch và lối sống đô thị, góp phần tích cực vào chương trình “năm văn minh đô thị” của Thành phố. Tích cực đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền. Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển vùng đô thị, các cơ quan đơn vị để Sở QHKT ngày càng vững mạnh./.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN, LÃNH ĐẠO VÀ THÀNH TỰU SỞ QHKT

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN, LÃNH ĐẠO VÀ THÀNH TỰU SỞ QHKT

Trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn bộ máy và hoạt động của cơ quan Kiến trúc sư Trưởng TP.HCM giai đoạn 1993-2002, ngày 27 tháng 11 năm 2002, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 168/2002/QĐ – TTg ngày 27/11/2002 của Thủ tướng Chính Phủ. Tuy mới thành lập được hơn 7 năm, nhưng nhiều cán bộ, công chức của Sở Quy hoạch – Kiến trúc hiện nay đã gắn bó với quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM trong suốt quá trình trăn trở, chuyển mình vươn lên cùng cả nước.

Từ 1975 đến nay có thể chia thành 3 thời kỳ:
Từ 1975 đến 1993 - Ủy ban Xây dựng Cơ bản TP và Sở Xây dựng.
Từ 1993 đền 2002 - Kiến trúc sư trưởng TP.
Từ 27/11/2002 đến 28/02/2025 - Sở Quy hoạch Kiến trúc.

A) THỜI KỲ TỪ 1975 ĐẾN 1993:

Trong thời kỳ này có 4 cơ quan giúp UBND Thành phố quản lý quy hoạch, xây dựng và đô thị :

- Ủy ban xây dựng cơ bản, là cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư, kinh tế, kỹ thuật XD. UBXD cơ bản chỉ đạo trực tiếp việc lập quy hoạch XD đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch/Content/theme_btq

- Sở Xây dựng, quản lý các đơn vị sản xuất XD và VLXD và quản lý kinh tế kỹ thuật XD,

- Sở Nhà đất, quản lý sự nghiệp nhà đất,

- Sở Công trình đô thị quản lý các công trình cấp thoát nước, xử lý rác…(chưa sưu tập được tư liệu về 4 cơ quan này).

LÃNH ĐẠO ỦY BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN THỜI KỲ NÀY LÀ:

Chủ nhiệm: Phạm Quang Hàm

Phó chủ nhiệm:

1. Lê Văn Năm

2. Lưu Thanh Nhã

3. Nguyễn Đăng Sơn

Tháng 02/1989 UBND Thành phố hợp nhất UBXD cơ bản đổi tên thành Sở Xây Dựng, chuyên về quản lý nhà nước. Sở Xây dựng cũ được tách ra thành lập Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và Tổng Công ty Vật liệu Xây Dựng Sài Gòn trực thuộc UBND Thành phố. Viện Nghiên cứu quy hoạch xây dựng chuyển trực thuộc Sở Xây Dựng mới.

Thành tựu lớn nhất của thời kỳ này là hoàn thành quy hoạch Tổng Mặt Bằng Thành phố (đến năm 2020), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng QĐ số 20/TTg, ngày 20/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ.

B) THỜI KỲ TỪ 1993 ĐẾN 2002:

Ngày 13/7/1992 Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký quyết định số 256-CT, về thực hiện chế độ kiến trúc sư trưởng ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó ngày 8/10/1992 ban hành quyết định 07/TTg bổ nhiệm TS.KTS Lê Văn Năm giữ chức Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 10/4/1993, bằng quyết định số 83/BXD/TCLĐ-ĐT, Bộ Xây Dựng ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 30/8/1993, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 1309/UB-QĐ-NC về việc thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh theo quy chế tổ chức và hoạt động theo QĐ 83/BXD. Viện quy hoạch xây dựng trực thuộc Kiến trúc sư trưởng Thành phố. Đến tháng 4/1995 UBND Thành phố bổ nhiệm hai phó Kiến trúc sư trưởng là :

1. TS.KTS Võ Kim Cương.

2. KS An Dũng, kiêm viện trưởng Viên Quy Hoạch Xây dựng.

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây Dựng ủng hộ, nhưng mô hình kiến trúc sư trưởng thành phố không được áp dụng thành công như mong muốn. Đặc biệt đây là thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế hành chính bao cấp qua cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, thời kỳ đổi mới, mở cửa và bùng nổ xây dựng. Tuy vậy, cơ quan KTS trưởng thành phố cũng đã làm được nhiều việc:

- Hoàn thành quy hoạch điều chỉnh tổng mặt bằng thành phố và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bằng QĐ123/TTg, ngày 10/07/1998.

- Hoàn thành quy hoạch chung 18 quận huyện .

- Phối họp các quận huyện hoàn thành 315 đồ án quy hoạch chi tiết trên diện tích tổng cộng 378,47 km2.

- Cấp phép xây dựng cho hơn 1000 dự án khu dân cư lớn nhỏ và hàng vạn công trình xây dựng khác.

- Tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản pháp luật về quản lý xây dựng như quy định về cấp giấy phép xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính xây dựng, hướng dẫn về kiến trúc - quy hoạch v.v…

C) THỜI KỲ TỪ 2002 ĐẾN 2025:

Ngày 27/11/2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 168/2002/QĐ-TTg thành lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên cơ sở cơ quan KTS Trưởng thành phố.

Thời kỳ đầu từ tháng 11/2002 đến tháng 8/2005 Sở QH-KT tiếp tục hoạt động theo chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch và kiến trúc của cơ quan Kiến trúc sư trưởng thành phố. Về tổ chức vẫn duy trì các phòng ban như cơ quan KTS Trưởng thành phố trước đây, trụ sở ở chung với Sở Xây Dựng tại 60 Trương Định, Quận 3.

Từ tháng 08/2005, UBND Thành phố ban hành quyết định số 138/2005/QĐ-UBND, ngày 03/08/2005 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở được tổ chức lại và hoạt động theo quy chế này. Đồng thời được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở được chuyển về trụ sở mới tại 168 Pasteur, Quận 1.

- Tổ chức nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến 2025.

- Hoàn thành quy hoạch chung 24 quận huyện.

- Hoàn thành quy hoạch phân khu 24 quận huyện.

- Thẩm định QHCT 1/2000 và 1/500.

- Hướng dẫn KTQH và thỏa thuận KTQH cho hàng ngàn dự án xây dựng lớn trên địa bàn thành phố.

- Cải cách hành chính, xây dựng (và đã được công nhận) quy trình hành chính chất lượng ISO-2000, biên soạn nhiều văn bản pháp luật về quản lý quy hoạch kiến trúc thành phố.

- Ứng dụng CNTT vào công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch: xây dựng phần mềm tên gọi Ứng dụng Thông tin quy hoạch Tp.HCM giúp người dân tra cứu thông tin quy hoạch ngay trên các thiết bị di động thông minh (sử dụng hệ điều hành Android / IOS) hoặc thông qua trình duyệt web.
-  Tham mưu lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 11/2002 ĐẾN THÁNG 09/2004:

Giám đốc: KS An Dũng.

Các Phó giám đốc:

1.TS.KTS Võ Kim Cương (đến 31/03/2004 - nghỉ hưu).

2.KTS Hồ Quang Toàn.

3.Ths.KTS Trần Chí Dũng.

4. Ths.KS Nguyễn Đình Hưng .

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 09/2004 ĐẾN THÁNG 09/2008:

Giám đốc: PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa.

Các Phó giám đốc:

1.KTS Hồ Quang Toàn.

2.Ths.KTS Trần Chí Dũng.

3.Ths.KS Nguyễn Đình Hưng.

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 09/2008 ĐẾN THÁNG 04/2010:

Quyền Giám đốc: Ths.KTS Trần Chí Dũng.

Các Phó giám đốc:

1.KTS Hồ Quang Toàn.

2.Ths.KS Nguyễn Đình Hưng.

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 04/2010 ĐẾN THÁNG 11/2015:

Giám đốc: Ths.KTS Trần Chí Dũng.

Các Phó giám đốc:

1.KTS Hồ Quang Toàn (nghỉ hưu từ tháng 4/2014)

2.Ths.KS Nguyễn Đình Hưng.

3.Ths.KTS Nguyễn Hoài Nam.

4.Ths.KTS Nguyễn Thanh Toàn.

5.TS.KTS Nguyễn Thanh Nhã (được bổ nhiệm từ tháng 12/2013)

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 31/12/2015 ĐẾN 9/2019:

Giám đốc : Ts.KTS Nguyễn Thanh Nhã.

Các Phó giám đốc:

1.Ths.KS Nguyễn Đình Hưng.

2.Ths.KTS Nguyễn Hoài Nam (về hưu từ tháng 8/2016).

3.Ths.KTS Nguyễn Thanh Toàn.

4.TS.KTS Trương Trung Kiên (từ 8/2016 được điều động làm Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM).

5.Ths.KTS Hoàng Tùng (được bổ nhiệm từ tháng 3/2017, đến tháng 9/2019 được điều động công tác tại UBND huyện Nhà Bè) để giới thiệu HDND huyện Nhà Bè bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè).

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 9/2019 ĐẾN THÁNG 11/2024:

Giám đốc : Ts.KTS Nguyễn Thanh Nhã.

Các Phó giám đốc:

1.Ths.KS Nguyễn Đình Hưng (về hưu từ tháng 9/2021)

2.Ths.KTS Nguyễn Thanh Toàn (nghỉ hưu từ tháng 2/2020).

3.Ths.KTS Phan Trường Sơn (được bổ nhiệm từ tháng 5/2020, ngừng công tác từ tháng 7/2020).

4. Ths.KTS Phan Ngọc Phúc (được bổ nhiệm từ tháng 12/2020)

5. Ts.KTS Trương Trung Kiên (được bổ nhiệm từ tháng 3/2021)

6. Ths.KTS Phan Văn Tuấn (được bổ nhiệm từ tháng 5/2022)

 

LÃNH ĐẠO SỞ TỪ THÁNG 12/2024 ĐẾN THÁNG 28/02/2025:

Quyền Giám đốc : Ts.KTS Trương Trung Kiên 

Các Phó giám đốc:

1. Ths.KTS Phan Ngọc Phúc (được bổ nhiệm từ tháng 12/2020)

2. Ths.KTS Phan Văn Tuấn (được bổ nhiệm từ tháng 5/2022)

 

 

 

 

Mật Khẩu
Vui lòng nhập tên!
Họ và tên (*)
Email không hợp lệ!
Email (*)
Điện thoại không hợp lệ!
Số điện thoại (*)